Lịch sử Các địa bàn quân sự của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam

Trong kế hoạch chỉ đạo tác chiến và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hình thành từ năm 1960, các khu vực tác chiến quân sự được đặt theo các tên gọi quy ước A: miền Bắc, B: miền Nam, C: Lào và Đ, sau đổi thành K: Cam pu chia. Năm 1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã thông qua kế hoạch này.

Theo đó, trên khắp bán đảo Đông Dương được phân thành nhiều mặt trận chính, có sự tham gia tác chiến của lực lượng quân sự chủ lực, như tại miền Nam Việt Nam được phân thành B1 (từ Khánh Hòa đến vĩ tuyến 17) do Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trực tiếp chỉ đạo tác chiến và B2 (từ Ninh Thuận đến Cà Mau) do Ban quân sự lực lượng vũ trang ở miền Nam chỉ đạo tác chiến. Ngoài ra, Quân uỷ Trung ươngBộ Tổng tham mưu còn có thể thành lập các mặt trận lâm thời trên các hướng quan trọng trong mỗi chiến cục hoặc chiến dịch. Trừ B1 và B2, các mặt trận đều do Đảng ủy mặt trận và Bộ Tư lệnh mặt trận lãnh đạo. Ngoài ra trên toàn bộ chiến trường miền Nam còn tổ chức thành các quân khu, do Khu ủy và Bộ Tư lệnh quân khu lãnh đạo, tác chiến chủ yếu bởi lực lượng quân sự địa phương. Về nguyên tắc, các mặt trận (B) do Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN trực tiếp chỉ đạo; các khu do Quân uỷ miền và Bộ Tư lệnh Miền (Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam) trực tiếp chỉ đạo nhưng vẫn có sự phối hợp với các B do Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN giao nhiệm vụ. Tuỳ tình hình chiến sự, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN có thể cử các đại diện của mình đến các B hoặc các khu để phối hợp tác chiến.[2]

Trong suốt chiến tranh Việt Nam, tùy theo giai đoạn và hình thái chiến tranh, các mặt trận và các quân khu được điều chỉnh và thay đổi cho phù hợp:

Ban đầu (1961), trên chiến trường miền Nam chỉ gồm 2 mặt trận B1 với 1 quân khu và B2 với 5 quân khu. Đến giữa năm 1966 đã phân thành 5 mặt trận (B) với 7 quân khu.

Bên cạnh đó, một số mặt trận lâm thời trên các hướng quan trọng trong mỗi chiến cục hoặc chiến dịch như Mặt trận B.702 (Đường 9-Nam Lào năm 1971), Mặt trận C.702 (Cánh đồng chum - Xiêng Khoảng năm 1972).

Hình thái tổ chức địa bàn quân sự theo mặt trận được duy trì cho đến hết chiến tranh. Tuy nhiên, kể từ sau Hiệp định Paris 1973, quân Mỹ và đồng minh phải rút về nước, các lãnh đạo quân sự Cộng sản đã tái tổ chức lại các lực lượng tác chiến của mình thành những đơn vị chủ lực cơ động mạnh, chuẩn bị cho cuộc chiến sau cùng, chấm dứt chiến tranh và thống nhất đất nước.